Phép xem mạng gà theo Kê kinh – P1 màu lông


Mọi người đều biết rằng kết quả thi đấu ngày nay hầu như phụ thuộc vào bổn bang và chế độ nuôi dưỡng. Nhưng một khi bổn bang và chế độ nuôi dưỡng là như nhau, mà điều này vốn là xu hướng chung, thì màu mạng chính là yếu tố đem lại sự khác biệt. Chẳng hạn, ba mươi năm trước, chỉ một số ít sư kê ở Philippines sở hữu gà đá Mỹ nòi xịn, ngày nay thì hầu hết sư kê đều có thể tiếp cận những dòng gà danh tiếng này, bởi có rất nhiều trại gà cạnh tranh lẫn nhau để cung cấp gà đá chất lượng cho thị trường. Bổn bang tuy cực kỳ quan trọng nhưng nếu ai cũng có thì không thể lấy đó làm lợi thế. Các phương pháp biệt dưỡng và ốp cũng vậy, đa phần những sư kê nghiêm túc đều coi trọng và nắm vững cách thực hiện những công đoạn này. Bởi vậy, việc thành bại đôi khi lại do những yếu tố rất nhỏ quyết định. Chúng ta có thể coi phép xem màu mạng là một trong những yếu tố như vậy.

Phép này vốn được lưu truyền trong dân gian. Một điều chắc chắn là nó đã xuất hiện từ rất lâu vì gắn liền với một học thuyết cổ xưa: “thuyết Ngũ Hành”. Ngày nay, vẫn còn rất nhiều sư kê tin tưởng và áp dụng phép này vào các trận đá gà. Nó bao gồm nhiều yếu tố vốn không thể “định lượng”, điều dẫn đến khó khăn trong việc phân tích và đối chiếu. Bởi vậy mà có nhiều biến thể hay còn gọi là “môn phái” màu mạng khác nhau ra đời, mỗi “môn phái” lại sử dụng một tập hợp các yếu tố khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu phép xem màu mạng theo Kê kinh, một trong những tài liệu xưa nhất về chủ đề gà chọi xuất hiện cách nay hơn một thế kỷ.

Về nguồn gốc của Kê kinh, chúng ta không có thông tin nào khác ngoài mấy chữ “sách gà Phạm Công”. Tất cả những gì mà chúng ta biết ngày nay đều qua bản dịch nôm Kê kinh diễn nghĩa dạng thơ lục bát của Giao-Hòa, lão-nhiêu Nguyễn Phụng Lãm. Bài được đăng trên báo Nông-cổ mín-đàm vào năm 1902. Điều dẫn đến suy đoán rằng sách được viết bằng chữ Hán hoặc Hán-Nôm. Bảo bản dịch là Kê kinh cũng được mà bảo không phải cũng được, bởi chúng ta chỉ thấy ý chứ không hề thấy hình. Có quan điểm cho rằng tác giả Kê kinh là Tả Quân Lê Văn Duyệt (1763-1832). Tương truyền, Đức Ngài rất ham mê môn chọi gà và nuôi đến hàng ngàn chiến kê để nghiên cứu các phép xem tướng, xem vảy và đặc biệt là màu mạng gà.

Về phép xem màu mạng trong Kê kinh, tựu trung phép này bao gồm các phần:

Màu lông

Kim=gà nhạn

Mộc=gà xám

Thủy=gà ô

Hỏa=gà điều, gà tía

Thổ=gà ó vàng

*Hành mộc có màu xanh, nhiều người thắc mắc tại sao lại xếp gà xám vào hành mộc? Nếu quan sát kỹ màu xám có ánh xanh, người phương Tây nhận ra điều này nên họ gọi là “blue” thay vì “grey”. Có lẽ vì vậy mà gà xám được xếp vào hành mộc. “Grey” là gà chuối, đặc biệt là những con mà hắc sắc tố lan đến lông bờm và lông mã gọi là “chuối bùn”. Đấy là màu xám thuần túy không lẫn sắc xanh.

*Màu vàng có khi được xếp vào hành kim, nhưng Kê kinh lại xếp màu vàng (cùng với nâu) vào hành thổ. Màu ó thường đi đôi với mã lại thành “ó mã lại”, gà trống mang gien đột biến khiến nó có mã mái và màu nâu sẫm thường thấy ở gà mái.

*Tên gọi đôi khi không phản ánh đúng thực chất, chẳng hạn gà “điều” hay “tía” có nhiều tông màu khác nhau từ đỏ, cam, vàng cho đến nâu. Nếu ngả sang tông vàng hay nâu thì nên xếp vào hành thổ (thay vì hành hỏa). Hoặc gà khét điều hành hỏa, nhưng khét vàng hay khét nâu lại là hành thổ.

*Kê kinh viết “Cứ theo sắc chánh mà suy”, nếu gà có nhiều màu khác nhau thì dựa vào màu chính mà xem hành. Màu chính là màu ở thân và cánh, những màu ở đuôi, lông mã, lông bờm là phụ. Những hoa văn như lau (đuôi và cánh lẫn màu trắng), bông, nổ (chóp lông trắng), cú (sọc vằn) cũng là phụ. (Điểm khác biệt thứ 1 của Kê kinh đối với các môn phái màu mạng dân gian).

*Màu tía (điều) là một ngoại lệ. Màu tía điển hình có lông bờm, lông mã và một phần của vai, cánh màu đỏ, trong khi thân và đuôi màu đen. Nếu bám sát định nghĩa ở trên thì màu tía thuộc hành thủy bởi thân màu đen, chỉ có gà khét mới đúng là hành hỏa. (Đây là điểm mâu thuẫn của Kê kinh).

*Có sách gà viết “gà có đủ năm màu tương ứng với ngũ hành là gà ngũ sắc, gà ngũ sắc không theo mạng”. Ý là nó không hơn hay kém bất kỳ màu nào. Kê kinh không đề cập gì đến việc này mà chỉ nói lấy sắc chính làm đại diện.

*Có một số màu mới xuất hiện sau này, dĩ nhiên Kê kinh không đề cập đến. Màu bướm ở gà nòi cựa bắt nguồn từ gà Mỹ, cụ thể là dòng Whitehackle. Xa hơn nữa là gà chọi Anh mà người giới thiệu màu bướm ra làng gà chọi chính là vua Charles II (1630-1685). Màu khét nghe nói bắt nguồn từ gà Asil. Không rõ gà Asil được lai vào gà nòi từ khi nào nhưng từ năm 1950 đã có một bài viết về gà chọi như sau: “Gà Bà Rịa. Gốc từ Ấn-Độ (gà mái có túp râu dưới cằm). Dòng gà này bền vô cùng. Thà chết tại chỗ chứ không biết chạy là gì”.

Xem tiếp phần 2:

Phép xem mạng gà theo Kê kinh – P2 Ngũ hành luận

TẮT QUẢNG CÁO [X]
TẮT QUẢNG CÁO [X]